PHÌNH ĐỘNG MẠCH THÂN TẠNG
BS NGUYỄN THIỆN HÙNG - BS VÕ NGUYỄN THÀNH NHÂN – BS PHAN HỮU BỘI HÒAN
Trung tâm Y khoa MEDIC Hòa Hảo
Thành phố Hồ Chí Minh
Một bệnh nhân nam 55 tuổi ở quận 11 thành phố Hồ Chí Minh đến khoa Gan Trung tâm Y khoa Medic khám vì bệnh lí gan mạn tính. Đau thượng vị, buồn nôn và ăn kém là các triệu chứng làm cho bệnh nhân đi khám nhiều nơi và lần này là khoa Gan Medic.
Siêu âm ghi nhận tình trạng viêm gan mạn và phình động mạch Thân tạng = 17x16mm, cách gốc khỏang 20mm trước khi phân nhánh. MSCT 64 với hình tái tạo 3 chiều cho thấy các nhánh động mạch Gan chung, Vị trái và động mạch Lách xuất phát từ túi phình động mạch Thân tạng này.
H.1: Hình siêu âm B mode: túi phình động mạch thân tạng như một hạch đơn độc trong mạc treo ruột non. Hình CDI cho thấy có phổ xóay với ying-yan sign và có aliasing trong lòng mạch trước túi phình.
BÀN LUẬN:
Chỉ với siêu âm B mode túi phình động mạch thân tạng như một hạch đơn độc trong mạc treo ruột non. Khi dùng CDI mới thấy có phổ xóay với yingyang sign và có aliasing trong lòng mạch trước túi phình. Phổ dạng động mạch với tốc độ lưu lượng là= 42,8 cm/sec. Điều này giúp thấy rõ cần có siêu âm màu khi khám các chi tiết nghi ngờ trong ổ bụng.
Nếu như siêu âm B-mode giúp thấy được dạng, kích thước, và vị trí túi phình, thì siêu âm màu giúp thấy được dòng máu xóay, hướng dòng chảy và tốc độ lưu lượng dòng chảy.
H.2: Hình CDI cho thấy có phổ xóay với yingyan sign và có aliasing trong lòng mạch trước túi phình. Phổ dạng động mạch với tốc độ lưu lượng là= 42,8cm/sec.
Tuy nhiên với MSCT 64 hình ảnh túi phình mới đầy đủ và thuyết phục cao, đặc biệt là hình tái tạo 3 chiều. Tuy nhanh nhạy và an tòan nhưng kỹ thuật này không thể giúp can thiệp vào mạch như kỹ thuật chụp mạch số hóa xóa nền (DSA).
H.3: Hình MSCT 64 cho thấy phình động mạch Thân tạng với các động mạch Gan chung, Vị trái và Lách xuất phát từ túi phình.
Phình động mạch Thân tạng thường hiếm khi xảy ra (4-5,9% trong các phình mạch tạng), kích thước thay đổi từ 15 đến 40mm, và ít có triệu chứng rõ rệt như phình động mạch Mạc treo tràng trên, nhưng thường tình cờ được phát hiện khi dùng các phương tiện chẩn đóan hình ảnh qua ổ bụng. Điều quan trọng là phình động mạch Thân tạng có khả năng vỡ, gây tử vong nếu đường kính lớn hơn 30mm. Nên mổ tái tạo chọn lọc khi túi phình lớn hơn 20mm. Trong 1 báo cáo ngọai khoa, nhóm bệnh nhân phình động mạch Thân tạng được điều trị không mổ vẫn không có triệu chứng sau thời gian theo dõi trung bình là 91 tháng ( từ 1 đến 371 tháng).
KẾT LUẬN
Phình động mạch Thân tạng tuy hiếm gặp nhưng có thể phát hiện tình cờ khi khám siêu âm bụng. Cần siêu âm màu để tránh bỏ sót vì không triệu chứng đặc hiệu. Nên kết hợp với MSCT 64 để có chẩn đóan chính xác để theo dõi và điều trị cho bệnh nhân.
Xem Splanchnic Vessel Aneurysm
Tài liệu tham khảo chính=
D’AMBROSION, FRIEDMAN B, SIEGEL D, KATZ D, NEWATIA A, HINES J: Spontaneous Isolated Dissection of the Celiac Artery: CT Findings in Adult, AJR 2007; 188; W506-11.
SHAIKH J, STEINMETZ A, GOLDBERG H: The Value of Sonography of a Dissecting Aneurysm of the Celiac Artery, Journal of Diagnostic Medical Sonography 2007; 23; 351-6.
STONE WM, ABBAS MA, GLOVICZKI P, FOWL RJ, CHERRY KJ: Celiac Artery Aneurysms, A Critical Reappraisal of a Rare Entity, Arch Surg, Vol 137, June 2002, 670-4.
NGUYỄN THIỆN HÙNG, LÊ VĂN TÀI, LÊ THANH LIÊM, NGUYỄN VĨNH THỊNH, TRẦN MINH ĐÚNG, PHAN THANH HẢI: Splanchnic Vessel Aneurysms= Ultrasound Findings in Combining with MSCT 64 in Vietnam, Registrated Poster in WFUMB Australia, 2009.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét