SƠ KẾT SIÊU ÂM PHỔI SAU NHIỄM COVID-19
KHOA SIÊU ÂM MEDIC
ĐẶT VẤN ĐỀSau nhiễm COVID-19 một số bệnh nhân có nhu cầu khám kiểm tra tại MEDIC. Một bài báo của
Respiratory Medicine 181, March 2021 đã công bố về vấn đề này với 38 bệnh nhân post COVID-19 infection 03 tháng, dùng siêu âm phổi [LUS] đối chiếu với CT và một số xét nghiệm cận lâm sàng. Nội dung xác nhận tổn thương phổi còn tồn tại ở bệnh nhân từng có suy hô hấp trong thời gian điều trị trong bệnh viện trước đó.Tại thành phố HCM, hiện chưa có báo cáo nào về khám kiểm tra siêu âm phổi [LUS] sau nhiễm COVID-19. Nhưng nhận thấy có xu hướng cần khám hậu nhiễm COVID-19 tại MEDIC Hòa Hảo nên chúng tôi, được phép của BS Giám đốc, thực hiện việc theo dõi và ghi nhận lại những kết quả ban đầu.
MỤC TIÊU
Ghi nhận tổn thương phổi tồn tại bằng siêu âm phổi (LUS) dựa theo đề nghị của ROUBY, [ROUBY's Protocol] bằng cách khảo sát 12 vùng của 2 phổi P và T và sau đó tính điểm LUS Score total.
PHƯƠNG PHÁP
Khảo sát tiền cứu mô tả và cắt ngang những bệnh nhân và gia đình có nhiễm COVID-19 nay đã có xét nghiệm RT-PCR (-) tự nguyện đến khám tại MEDIC Hòa Hảo.
Thực hiện việc khám LUS và chuẩn hóa (theo y văn tham khảo): tinh chỉnh hệ số mechanical index MI <0,7, tắt tất cả các bộ lọc filters [vốn dùng cho làm đẹp hình ảnh trên màn hình siêu âm] như Harmonic và S-Harmonic, THI… tùy theo hãng máy siêu âm có tại MEDIC.
Thống kê nhân thân và bệnh sử. Hồ sơ được lưu trữ điện toán hóa và truy cập qua mã QR code của MEDIC cho từng bệnh nhân.
Từ cuối tháng 8 năm 2021 đến 18/9/2021, đợt sơ kết này gồm 06 nam và 05 nữ, tuổi từ 34-60, trung bình sau nhiễm COVID-19 khoảng 30 ngày, trong đó có một nhân viên nữ của khoa siêu âm. Tất cả đều có thời gian cách ly và điều trị trong bệnh viện, đều có khó thở mức độ trung bình, có một trường hợp bệnh nhân nữ hôn mê 3 ngày. Một bệnh nhân nam có khạc tia máu bầm khi đến khám. Một bệnh nhân nam khác, dược sĩ, đã chích ngừa 2 mũi AZ nhưng sau đó lại trở thành F0 và tự điều trị tại nhà trong khi mẹ bị lây nhiễm và chết vì nghi nhiễm COVID-19.
Hình ảnh LUS post COVID infection của đợt sơ kết này
gồm còn tồn tại dày màng phổi có gián đoạn [10/11 ca], light beam [8/11 ca], subpleural consolidation nhỏ dưới 20mm [8/11 ca]. Đa số phát hiện tồn tại tổn thương ở vùng phổi sau bên [posterior lateral] cả 2 bên nhưng thường là phổi trái. Phần lớn thuộc phân loại nhóm C và D, có
LUS Score total <10, cá biệt có một ca có LUS Score total=15.Lúc khám LUS các bệnh nhân đều được đo SpO2 =95-99%, bằng oxymeter xung, nhịp thở 10-18 lần/phút, không khó thở khi khám nhưng đều than phiền leo cầu thang hay gắng sức còn thấy khó thở, mệt, chưa trở lại bình thường. 02 bệnh nhân nữ khai báo bị tê vùng lưng và đau cánh tay T (post COVID-19 myositis?]. Tất cả đều trong quá trình hồi phục dần [lên cân và ăn ngủ khá tốt].
BÀN LUẬN
Siêu âm phổi LUS giúp phân biệt các bệnh lý tràn khí màng phổi, viêm phổi vi trùng, phân biệt phù phổi do tim và không do tim... từ hơn 20 năm nay. Khi phát hiện tràn dịch màng phổi, LUS chỉ cần lượng dịch ít hơn X-quang phổi quy ước.
Trong đại dịch COVID-19, LUS được sử dụng nhiều hơn, cơ động hơn, tránh được lây nhiễm với các máy siêu âm cầm tay [handheld] và kỹ thuật PoCUS.Tuy nhiên có khuyến cáo được đồng thuận cao là không dùng LUS để loại trừ nhiễm COVID-19 trong giai đoạn bệnh khởi phát.
Hình ảnh LUS trong nhiễm COVID-19 và sau nhiễm COVID-19 đã được mô tả bởi nhiều tác giả, được hệ thống hóa vùng khám, và định lượng bằng cách cho điểm theo phân loại thống nhất (4 loại A B C D) và thang điểm 0 1 2 3, như đã đề cập. Có tác giả nhận xét rằng hình ảnh siêu âm LUS trong nhiễm COVID-19 rõ nhất khoảng 2 tuần sau khởi phát rồi kém rõ dần.
Trong nhóm bệnh sau nhiễm COVID-19 tại MEDIC, như các tác giả khác, chúng tôi cũng dựa theo phân loại và thang điểm định lượng trên.
Hình ảnh siêu âm phổi sau nhiễm COVID-19 trong báo cáo sơ kết này gồm những tổn thương tồn tại nhỏ như dày màng phổi, light beam, subpleural consolidation; thường ở vùng phổi đáy sau bên [posterior lateral] của phổi trái. Đo oxymeter xung lúc khám LUS, kết quả SpO2 dao động từ 95-99% và bệnh nhân không biểu hiện khó thở. LUS Score total <10 trong đa số 10/11 ca cho thấy mức độ các thương tổn tồn tại này không cần can thiệp và không ảnh hưởng nhiều đến chức năng sống sau nhiễm COVID-19.
Những tổn thương này, theo y văn, với 2 trong 4 tiêu chí, trong giai đoạn mới mắc phải COVID-19, đủ để có hướng chẩn đoán nhiễm COVID-19 gây viêm phổi mô kẽ do siêu vi bằng LUS, trong khi chờ đợi kết quả RT-PCR và xét nghiệm vi sinh học khác khi sàng lọc và phân tầng nguy cơ.
Y văn về tổn thương phổi sau nhiễm COVID-19 trên LUS và CT cũng nêu ý kiến chưa biết rõ nguyên nhân và hướng điều trị tiếp tục ra sao. Do vậy, tác giả đề xuất nên khám LUS định kỳ cho bệnh nhân sau nhiễm COVID-19, nhất là bệnh nhân từng bị khó thở hay suy hô hấp, nếu cần phải chụp CT thì nên dựa theo kết quả [outcomes] LUS trước đó.
KẾT LUẬN
Sơ kết với 11 ca sau nhiễm COVID-19 đến khám tại MEDIC, chúng tôi ghi nhận có tồn tại tổn thương phổi mức độ nhẹ, đa số có LUS Score total <10, cần có thời gian theo dõi thêm 3 – 6 tháng, 1 năm hoặc hơn để xem các tổn thương phổi này bao giờ biến mất. Và vì COVID-19 là bệnh đa cơ quan nên cần theo dõi định kỳ tiếp tục cho đến khi nào chức năng sống của bệnh nhân trở lại như trước.
Giovannettia G et al: Lung ultrasonography for long-term follow-up of COVID-19 survivors compared to chest CT scan, Respiratory Medicine 181, March 2021 https://doi.org/10.1016/j.rmed.2021.106384
Vetrugno et al : The “pandemic” increase in lung ultrasound use in response to Covid-19: can we complement computed tomography findings? A narrative review, Ultrasound J (2020) 12:39 https://doi.org/10.1186/s13089-020-00185-4
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét