Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

GIẢI NOBEL Y HỌC 2012


Hai nhà khoa học John B.Gurdon và Shinya Yamanaka đã đoạt giải Nobel Y học năm nay 2012 nhờ việc phát hiện tế bào trưởng thành có thể tái lập trình để trở thành tế bào vạn năng (pluripotent).
 
 

Theo thông báo từ Ủy ban Nobel, Gurdon và Yamanaka đã nhận thấy các tế bào trưởng thành, chuyên biệt hoá có thể được can thiệp và lập trình lại để trở thành các tế bào gốc, chưa trưởng thành vốn có khả năng phát triển thành tất cả các dạng mô trong cơ thể. Nghiên cứu này đã “cách mạng hóa” nhận thức về cơ chế phát triển của tế bào và cơ quan sinh học.

Năm 1962, ông Gurdon đã phát hiện tế bào có một khả năng đặc biệt là đảo chiều. Trong một thí nghiệm kinh điển, ông đã thay thế nhân tế bào chưa trưởng thành trong một tế bào trứng ếch bằng nhân của một tế bào ruột trưởng thành. Kết quả là tế bào trứng biến đổi vẫn phát triển thành một con nòng nọc bình thường. DNA của tế bào trưởng thành vẫn có tất cả các thông tin cần thiết để phát triển mọi tế bào trong cơ thể ếch.

Hơn 40 năm sau, năm 2006, Shinya Yamaka phát hiện các tế bào trưởng thành nguyên dạng ở chuột có thể được lập trình để trở thành các tế bào gốc chưa trưởng thành. Bằng cách can thiệp và biến đổi chỉ một vài gene, ông đã có thể tái lập trình các tế bào trưởng thành trở thành tế bào gốc vạn năng hay tế bào gốc đa hiệu (pluripotent stem cell). Đây là thuật ngữ chỉ những tế bào chưa trưởng thành có khả năng phát triển thành mọi dạng tế bào khác nhau trong cơ thể.

Những phát kiến mang tính đột phá này, theo Ủy ban Nobel, đã làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của khoa học về sự phát triển cũng như chuyên biệt hóa ở cấp độ tế bào. “Tế bào trưởng thành không phải giam mình mãi mãi với một chức năng cụ thể và chuyên biệt nào. Bằng cách tái lập trình tế bào người, các nhà khoa học đã mở ra cơ hội mới để nghiên cứu nhiều loại bệnh cũng như phát triển phương pháp chẩn đoán và điều trị mới”.

Ứng dụng
 
Tế bào gốc có khả năng ứng dụng chữa trị nhiều bệnh từ ung thư, tiểu đường, để thay thế các mô và nội tạng bị hỏng của cơ thể nhờ khả năng phát triển thành mọi loại tế bào thay thế những tế bào bệnh tật. Nó có thể sửa chữa một trái tim sau cơn đột quỵ hoặc đảo ngược tiến trình phát triển của bệnh Alzheimer.
Nghiên cứu được trao giải Nobel y học năm nay đã mở ra một phương cách mới để có được tế bào gốc mà không phải dùng đến phôi thai, một vấn đề gây nhiều tranh cãi đạo đức. “Thiếu nội tạng để cấy ghép là một vấn đề lớn tại nhiều quốc gia hiện nay” - ông Yamanaka nhấn mạnh.
Một trong các ứng dụng thực tế khác của nghiên cứu này là khả năng nghiên cứu tận gốc rễ các căn bệnh thông qua tế bào của người mắc bệnh để tìm ra biện pháp chữa trị. “Tế bào da có thể được lấy từ người bệnh mắc nhiều căn bệnh khác nhau, tái lập trình và xem xét trong phòng thí nghiệm để xem chúng khác với những tế bào khỏe mạnh như thế nào”, Ủy ban Nobel cho biết.